Việt Nam là quốc gia có số lượng người khuyết tật khá lớn với khoảng 6,7 triệu người, trong đó 3,6 triệu là nữ và khoảng 1,2 triệu là trẻ em. Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, công tác chăm lo cho người khuyết tật những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Số NKT được hưởng trợ cấp xã hội không ngừng tăng, tỷ lệ NKT được học nghề, tạo việc làm, tiếp cận với giáo dục cũng như các công trình công cộng và hòa nhập xã hội đã chuyển biến rõ rệt. Đạt được những thành quả đó, có sự đóng góp hiệu quả thiết thực từ những mô hình trợ giúp người khuyết tật .
Mô hình hội, nhóm tự lực của NKT
Trong nhiều thập kỷ qua, mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước vẫn luôn quan tâm ưu tiên nguồn lực và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách trợ giúp xã hội, bảo đảm các quyền của NKT, thúc đẩy sự tham gia của NKT vào đời sống xã hội. Hệ thống luật pháp, chính sách đối với NKT ngày càng được hoàn thiện với sự ra đời của Luật NKT năm 2010 và nhiều văn bản dưới luật khác. Tham gia hỗ trợ NKT có sự chung tay góp sức của toàn xã hội, sự sẻ chia, giúp đỡ của bè bạn quốc tế.
Các Hội, nhóm NKT chia sẻ kinh nghiệm hoạt động
Nhờ đó, đến nay, cả nước đã có 2,485 triệu người hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, trong đó, có 576.000 NKT nặng, 190.737 người tâm thần, 5.465 gia đình có từ 2 NKT nặng trở lên với tổng kinh phí hơn 7.121 tỷ đồng. Các hoạt động hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật đã từng bước được quan tâm đầy đủ. Riêng năm 2013, có 761.000 NKT nặng và đặc biệt nặng được cấp thẻ Bảo hiểm y tế theo quy định của Nghị định số 28. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách, cơ chế dạy nghề tạo việc làm cho NKT ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của đất nước và NKT. Các hoạt động trợ giúp pháp lý, tiếp cận thể thao của NKT cũng đạt được nhiều kết quả. Đóng góp vào những thành quả này là công sức không nhỏ của các mô hình hội, nhóm tự lực của NKT.
Cách đây khoảng chục năm, vấn đề NKT đã nhận được nhiều sự quan tâm của Nhà nước, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong bản thân nội lực của NKT, các hoạt động vẫn chưa thật sự nổi bật, chủ yếu là các hoạt động nhỏ lẻ, sức ảnh hưởng không lớn do họ chưa biết cách tập hợp nhau lại trong một tổ chức cụ thể. Đến nay, với sự ra đời của hàng loạt các mô hình hội, nhóm tự lực của NKT, tiếng nói của NKT, các vấn đề liên quan đến đời sống như tiếp cận chính sách pháp luật, tiếp cận công trình công cộng, việc làm, giáo dục, y tế, văn hóa văn nghệ, nâng cao năng lực... được xã hội quan tâm nhiều hơn, mật độ dày đặc hơn. Từ đó, góp phần nâng cao vị thế của NKT và tạo điều kiện thuận lợi cho họ hòa nhập cộng đồng. Mô hình câu lạc bộ (CLB), Hội NKT được hình thành và phát triển không chỉ ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... mà ở nhiều địa phương khác như Thái Bình, Hà Nam, Thái Nguyên, Cần Thơ, Quảng Bình...
Từ hoạt động của các mô hình Hội, nhóm, NKT dần trưởng thành về nhận thức, năng lực. Nhiều NKT đã có cơ hội học tập nâng cao, có điều kiện tiếp cận gần hơn với các mô hình hỗ trợ NKT của quốc tế và từng bước áp dụng một cách sáng tạo vào Việt Nam. Chỉ trong vài năm gần đây, cộng đồng NKT đã chứng kiến sự ra đời và hoạt động tích cực, hiệu quả của nhiều mô hình tự lực của NKT như: Trung tâm Nghị lực sống, Trung tâm Khuyết tật và phát triển, Trung tâm sống độc lập Hà Nội, Trung tâm hành động vì sự phát triển hòa nhập, Hội vì sự phát triển của NKT Quảng Bình... Các mô hình này không chỉ thực hiện việc tập hợp, chia sẻ, khuyến khích, động viên NKT tự tin, hòa nhập mà còn tăng cường vận động xã hội, thúc đẩy việc thực hiện các quyền cơ bản của NKT, tạo điều kiện để NKT phát huy các tiềm năng của mình, tiếp cận bình đẳng và đóng góp tích cực cho cộng đồng và quốc gia.
Năm 2008 Tổ chức Người khuyết tật khu vực châu á – Thái Bình Dương (DPI A/P) giao cho lãnh đạo Nhóm Vì tương lai tươi sáng của người khuyết tật (BF) thực hiện dự án thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Sống độc lập đầu tiên ở Việt Nam, với sự tài trợ của Nippon Foundation. Trong giai đoạn đầu tiên, Trung tâm hỗ trợ những người khuyết tật nặng thuộc dạng khuyết tật về vận động: tổn thương cột sống, bại não ảnh hưởng đến nói và vận động và người phải sử dụng xe lăn. Các hoạt động của Trung tâm gồm: Tham vấn đồng cảnh (NKT tham vấn cho NKT khác); Chương trình sống độc lập; Tập huấn và cung cấp người hỗ trợ cá nhân cho NKT và một số hoạt động khác.
Kết quả, qua tham vấn đồng cảnh và những khóa tập huấn kỹ năng sống độc lập, những thành viên của Trung tâm đã thắng được mặc cảm, tự tin hơn và mong muốn thể hiện khả năng của mình. Những người hỗ trợ cá nhân của Trung tâm đã là điểm tựa chắc chắn và là những người bạn giúp người khuyết tật sống, học tập và làm việc, đem khả năng của mình phục vụ cộng đồng. Dịch vụ Người hỗ trợ cá nhân đã trở thành một nghề cho nhiều thanh niên và sinh viên. Sống độc lập đã được chính thức đưa vào Luật Người khuyết tật Việt Nam như một trong các quyền của người khuyết tật và mô hình sống độc lập đã được các Bộ, ngành có liên quan công nhận là một mô hình tốt và rất cần thiết cho người khuyết tật nặng. Trung tâm sống độc lập đã được xem như một cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người khuyết tật nặng và được phát triển ra một số địa phương khác như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ...
Trong tiến trình hòa nhập cộng đồng, NKT gặp khó khăn về nhiều mặt trong đó có ngôn ngữ, học tập, việc làm, hôn nhân, kỳ thị, phân biệt đối xử... Từng nhóm đối tượng khác nhau bên cạnh những nhu cầu chung còn có những nhu cầu đặc trưng, khó khăn riêng. Như thanh niên khuyết tật cần được hỗ trợ về giáo dục, lao động, việc làm, tình yêu, hôn nhân... Phụ nữ khuyết tật có nhu cầu giúp nhau trong phát triển kinh tế, đào tạo hướng nghiệp, xóa đói giảm nghèo, vấn đề về giới, phòng chống bạo lực gia đình, hôn nhân và hạnh phúc gia đình, nuôi con khỏe dạy con ngoan... Người điếc, câm cần hỗ trợ về ngôn ngữ ký hiệu... Để có thể tiếp cận gần hơn với nhu cầu và giải quyết những khó khăn của từng nhóm đối tượng NKT, các mô hình Hội, nhóm nhỏ, CLB được thiết lập. Tại các tỉnh, thành phố, còn có những CLB của thanh niên khuyết tật, phụ nữ khuyết tật, Hội cha mẹ trẻ khuyết tật, Hội người mù, CLB điếc câm, CLB ngôn ngữ ký hiệu độc lập hoặc trực thuộc các Hội NKT....
Với 10 hội viên ban đầu thành lập (năm 2003) và gặp rất nhiều khó khăn trong tổ chức cũng như hoạt động, đến nay CLB Thanh niên khuyết tật tỉnh Thái Bình đã có số thành viên lên đến hơn 100 người. CLB cũng đã thành lập được 6 CLB ở cấp xã, huyện. Tại địa phương CLB đại diện cho lực lượng thanh niên khuyết tật tỉnh Thái Bình, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên trước pháp luật và công luận. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, CLB có nhiều chính sách thu hút, tập hợp, đoàn kết thanh niên khuyết tật, tổ chức và tạo điều kiện thuận lợi để các hội viên có cơ hội được học tập, rèn luyện, tiếp cận, giao lưu hội nhập cộng đồng. Ban chủ nhiệm CLB thường xuyên nắm bắt và cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm và giải quyết việc làm cho hội viên, giúp họ có nghề nghiệp và việc làm thích hợp, tự lập về kinh tế, từng bước chăm lo cho bản thân, giúp đỡ cho gia đình. Đồng thời, CLB đã chú trọng công tác phát hiện, bồi dưỡng và tạo điều kiện cho những thanh niên khuyết tật có tài năng để họ có cơ hội phát huy, phát triển. Trải qua 11 năm thành lập và phát triển với 3 kỳ Đại hội, CLB đang ngày càng khẳng định vai trò của mình trong công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên đặc thù. Với quan điểm "Không phân biệt dân tộc, tôn giáo, chính kiến, nam nữ, thành phần xã hội..." và phương châm hành động "Tàn nhưng không phế, tốt cho bản thân, lợi cho gia đình, ích cho xã hội", CLB thực sự là điểm đến yêu thích, là người bạn đồng hành tin cậy của các bạn thanh niên khuyết tật.
Chị Nguyễn Thị Thu, Chủ nhiệm CLB phụ nữ khuyết tật thành phố Đà Nẵng thì chia sẻ: "NKT vốn chịu nhiều thiệt thòi, mặc cảm, song, tôi tin rằng, với những mô hình hoạt động như thế này, chị em sẽ có điều kiện đóng góp – cho dù là nhỏ bé - những tâm huyết của mình vào việc chăm sóc những cảnh ngộ như mình; chăm sóc cộng đồng người khuyết tật, góp phần trong sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước".
Các mô hình trợ giúp hiệu quả của các tổ chức xã hội
Cùng đồng hành và đóng góp vào những chuyển biến tích cực trong đời sống học tập, việc làm và hòa nhập của NKT, các tổ chức xã hội trong nước, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam thời gian qua cũng đã tích cực hoạt động, thí điểm và xây dựng thành công nhiều mô hình hỗ trợ NKT thực sự hiệu quả. Có thể kể đến một số mô hình tiêu biểu như: mô hình dạy nghề tạo việc làm cho NKT tại cộng đồng, Hỗ trợ sinh kế cho NKT, trẻ mồ côi tại xã xây dựng nông thôn mới của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam; Mô hình Việc làm và an sinh xã hội cho NKT tại tỉnh Đồng Nai của Handicap International; Mô hình đào tạo công nghệ thông tin cho NKT do Catholic Relief Services (CRS) thực hiện với sự tài trợ của tổ chức Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID)
Hoạt động tư vấn đồng đẳng của Hội NKT Đà Nẵng
Từ năm 2009, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam bắt đầu triển khai chương trình hỗ trợ sinh kế và cải thiện điều kiện sinh hoạt cho NKT, trẻ mồ côi. Từ năm 2011, hoạt động này trở thành mô hình điểm, một trong 6 chương trình trọng tâm của Hội. Các nội dung hỗ trợ chủ yếu là hỗ trợ vốn chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà... trồng rau, nuôi ong; trợ giúp xe lăn xe lắc gắn với hỗ trợ xây dựng đường tiếp cận cho NKT tại gia đình, cộng đồng, hỗ trợ xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh, trợ giúp xe đạp, cấp học bổng cho trẻ mồ côi... Tính đến cuối năm 2013, theo báo cáo chưa đầy đủ của 44 tỉnh, thành Hội trong cả nước, đã có gần 20.000 lượt NKT, TMC của 14.650 hộ tại 124 xã xây dựng nông thôn mới được hỗ trợ với kinh phí 12,7 tỷ đồng. Trong đó, có 18.000 lượt NKT. Từ đầu năm 2014 đến nay, mô hình này tiếp tục được phát huy, nhân rộng trong các tỉnh, thành trong cả nước.
Tại Việt Nam, tổ chức CRS với sự tài trợ của USAID đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ NKT, trong đó có dự án ITTP do Trường đại học Văn Lang thực hiện từ năm 2009. Mục tiêu của dự án là đào tạo nghề và tạo điều kiện cho NKT hòa nhập hoàn toàn với xã hội. Từ năm 2009 đến nay, Dự án đã đào tạo được 579 học viên khuyết tật với các chuyên ngành Lập trình viên quốc tế, Thiết kế đồ họa, Họa viên kiến trúc, Giáo viên tin học cộng đồng dành cho người khiếm thị. Hơn 80% học viên tốt nghiệp đã có việc làm. Ông Nguyễn Bao Cường - Đại diện Văn phòng điều phối các hoạt động hỗ trợ NKT Việt Nam (Bộ LĐ-TB&XH) nhận định: Mô hình ITTP đã đem lại lợi ích thiết thực cho NKT, góp phần thúc đẩy quá trình hiện thực hóa quyền của NKT, đồng thời góp phần quan trọng để Văn Lang trở thành một trường ĐH thân thiện với cộng đồng. Vì vậy, việc duy trì sự hoạt động của dự án ITTP là rất cần thiết.
Dự án đào tạo công nghệ thông tin cho NKT do CRS thực hiện tại Việt Nam
NKT vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhận thức về các vấn đề khuyết tật và quyền của NKT đã được nâng cao nhưng vẫn chưa thực sự đồng đều và rộng khắp. Mới đây, Quốc hội đã phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền của NKT. Nhưng trên thực tế, vẫn còn rất nhiều NKT chưa được tiếp cận Công ước, chưa nắm bắt được đầy đủ và thụ hưởng các quyền của mình. Chính vì vậy việc phát triển các mô hình hội nhóm NKT, mô hình hỗ trợ NKT là rất cần thiết và cần được tạo điều kiện về cơ chế chính sách cũng như nguồn lực để các mô hình này có thể hoạt động một cách dân chủ, phản ánh đúng tâm tư nguyện vọng của NKT, đóng góp tích cực vào sự phát triển hòa nhập của NKT.
(Theo Tạp Chí Người Bảo Trợ)
Tin mới
- Trả lương chậm quá 15 ngày phải trả thêm tiền - 13/01/2015 03:44
- Vượt núi đến với các em nhỏ vùng cao - 09/01/2015 07:55
- 11 đôi vợ chồng khiếm thị tố nhẫn cưới từ thiện là 'vàng giả' - 09/01/2015 06:59
- Tuyển dụng người khuyết tật – Doanh nghiệp còn e ngại - 08/01/2015 03:07
- Những người trẻ ngày đêm bên người bệnh - 07/01/2015 02:35
Các tin khác
- Tỉnh Hội Bình Dương: Hiệu quả từ mô hình hỗ trợ bò sinh sản - 01/01/2015 03:33
- Nhiều tỉnh, thành Hội đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch năm 2014 - 01/01/2015 02:55
- Thử nghiệm thành công điều khiển cánh tay máy bằng ý nghĩ - 24/12/2014 05:40
- Quảng Nam: Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du khách người khuyết tật - 24/12/2014 05:37
- Chúc mừng Giáng sinh 2014 - 24/12/2014 03:17