Thứ năm, 24 Tháng 10 2024 15:59

TP. Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả hoạt động bảo đảm cung-cầu hàng hóa, liên kết, kết nối giữa Hà Nội và các tỉnh, thành; góp phần giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, trái cây, nông sản đến thời điểm thu hoạch tại thị trường Hà Nội.

Hà Nội tiếp tục kết nối, bảo đảm cung-cầu hàng hóa- Ảnh 1.

TP. Hà Nội đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông sản địa phương.

Trong 9 tháng năm 2024, ngành Công Thương Hà Nội đã triển khai công tác phát triển thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại; tiếp tục chỉ đạo công tác bình ổn giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Chỉ đạo kịp thời bảo đảm cân đối cung-cầu hàng hóa; hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho nhân dân một số địa phương bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 và tình hình mưa, lũ phức tạp sau bão.

Trong đó, mới đây nhất, ngành Công Thương Hà Nội tổ chức Hội chợ nông sản thực phẩm an toàn thành phố Hà Nội năm 2024 với quy mô 120 gian hàng của 70 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm của Hà Nội và các tỉnh tham gia; Lễ hội an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2024 với quy mô 100 gian hàng của 96 đơn vị tham gia; Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố năm 2024 với quy mô 70 gian hàng, với sự tham gia của khoảng 50 đơn vị…

Thường xuyên cung cấp thông tin, giới thiệu danh sách trên 2.200 sản phẩm OCOP Hà Nội đã được đánh giá, phân hạng đến các doanh nghiệp, siêu thị, Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP… của Hà Nội và các tỉnh, thành phố để tổ chức kết nối, tiêu thụ, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị có sản phẩm OCOP trên địa bàn Thủ đô.

Đồng thời, triển khai Kế hoạch phát triển các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP gắn với các địa điểm kinh doanh, du lịch làng nghề du lịch nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024.

Công tác liên kết vùng giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố tiếp tục được đặc biệt quan tâm đẩy mạnh và thực sự mang lại rất nhiều kết quả tích cực. Nhiều sự kiện lớn trong và ngoài nước được tổ chức, tham dự đạt hiệu quả cao về kích cầu và quảng bá hình ảnh, sản vật Thủ đô như các hoạt động giao thương đặc sản tỉnh thành phố; kết nối liên kết với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã ban hành công văn chỉ đạo về việc bảo đảm cân đối cung-cầu hàng hóa dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Theo đó, nhóm hàng và lượng hàng cần cân đối cung - cầu bao gồm: Gạo, thịt lợn, thịt gà, vịt, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ, đường, dầu ăn, gia vị, sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Các nhóm hàng có nhu cầu cao trong thời điểm mùa vụ trong dịp Tết Nguyên đán như mứt Tết, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát.

Bộ Công Thương cũng đã ban hành quyết định về việc tổ chức Chương trình Khuyến mãi tập trung quốc gia 2024 - Vietnam Grand Sale 2024. Chương trình sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 31/12 và được tổ chức trên phạm vi toàn quốc kết hợp các hoạt động thương mại truyền thống và thương mại điện tử để tạo sức lan tỏa và thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực. Hạn mức tối đa giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mãi trong thời gian diễn ra chương trình có thể lên đến 100%.

Để đẩy mạnh tiêu dùng những tháng cuối năm, Sở Công Thương Hà Nội sẽ tổ chức sự kiện Tháng Khuyến mại Hà Nội với khoảng 800-1.000 điểm khuyến mại và 50 điểm Vàng khuyến mại. Các doanh nghiệp tham gia chương trình có mức giảm giá từ 30-100% cho các sản phẩm đăng ký tham gia khuyến mại. Trong Tháng Khuyến mại sẽ diễn ra nhiều sự kiện như "Lễ hội mua sắm Hà Nội - HaNoi shopping Festival", "Hà Nội siêu hội mua sắm - HaNoi Mega Sale", "Ngày Vàng Giá shock"…

Tháng 11/2024 sẽ tiếp tục diễn ra Sự kiện Hà Nội đêm không ngủ-Ha Noi Midnight Sale, từ ngày 29/11 đến 30/11, thu hút khoảng 200 doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, các chuỗi, cơ sở sản xuất, kinh doanh; các sàn thương mại điện tử, website thương mại điện tử… Hoạt động giảm giá sẽ áp theo từng khung giờ với mức ưu đãi "Càng khuya-Càng giảm".

Bên cạnh đó, ngành Công Thương Hà Nội tiếp tục thực hiện hiệu quả hoạt động bảo đảm cung-cầu hàng hóa, liên kết, kết nối giữa Hà Nội và các tỉnh, thành, góp phần giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, trái cây, nông sản đến thời điểm thu hoạch, có sản lượng lớn, cần tiêu thụ trong thời gian ngắn tại thị trường Hà Nội.

Với việc triển khai đa dạng, đồng bộ nhiều giải pháp, từ đó, góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa. Đây được kỳ vọng là "đòn bẩy" mạnh mẽ để hỗ trợ tích cực cho người dân, doanh nghiệp Hà Nội thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đưa kinh tế Thủ đô đạt mục tiêu đặt ra về tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm từ 6,5% trở lên.